Tuyên truyền 76 năm Bác Hồ về thăm Thanh Hóa
Tuyên truyền 76 năm Bác Hồ về thăm Thanh Hóa
Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được hai tháng, mặc dù việc chỉ đạo kháng chiến vô cùng bộn bề nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định về thăm Thanh Hóa ngày 20/2/1947. Bác đến Thanh Hóa khoảng 7 - 8 giờ. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bác gặp gỡ các cán bộ và dự cuộc mít tinh của đại biểu các tầng lớp nhân dân. Nói chuyện với các cán bộ địa phương, Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của người cán bộ và nêu cụ thể những đức tính cần thiết của người cán bộ trong việc đối xử với bản thân, với đồng chí, với công việc, với nhân dân và với đoàn thể. Gặp gỡ đại biểu các tầng lớp nhân dân, Bác góp ý kiến cụ thể về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa để xây dựng Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu. Khoảng 4 - 5 giờ chiều, Bác rời đi. Tại Rừng Thông huyện Đông Sơn, Bác gặp gỡ và nói chuyện thân mật với cán bộ hành chính, mặt trận các huyện, châu và các thân hào, thân sĩ, trí thức, đại biểu dân tộc, tôn giáo của tỉnh. Bác động viên cổ vũ nhân dân Thanh Hóa tích cực tăng gia sản xuất, tiết kiệm để đóng góp sức người sức của phục vụ kháng chiến thành công. Bác gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao đối với tỉnh Thanh Hóa: “Thanh Hóa phải trở thành một tỉnh kiểu mẫu. Phải làm sao cho mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”(1). Chia tay trong lần gặp ấy, Bác đã nhắn gửi tha thiết với lời hẹn ngày trở lại: “đồng bào trong tỉnh hãy xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”(2). Những lời chỉ bảo sâu sắc, mang tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thanh Hóa lần đầu đã soi đường, chỉ lối để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Thanh Hóa thực hiện tốt nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, xây dựng thành hậu phương lớn vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nhân dân Thanh Hoá lại vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ 2. Ngày 13/6/1957, Bác đến cơ quan Tỉnh ủy lúc 9 giờ 30 sáng và có các cuộc tiếp xúc với đại biểu quân, dân, chính, đảng của tỉnh. Nói chuyện với gần 4.000 đại biểu cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong buổi họp mặt đón chào Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương những thành tích của cán bộ và nhân dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Bác đã khen ngợi và ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong vai trò “Hậu phương lớn” của kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”(3). Trong buổi nói chuyện, Bác nhắc đến những người con ưu tú, chẳng những làm vẻ vang cho vùng đất xứ Thanh mà còn làm vẻ vang cho cả nước như trong kháng chiến có anh hùng Lò Văn Bường, Phạm Minh Đức, Tô Vĩnh Diện, Lê Công Khai...; Trong sản xuất nông nghiệp có những chiến sĩ xuất sắc như Trịnh Xuân Bái, Nguyễn Thế Khương. Người cũng biểu dương tỉnh Thanh dù gian khó vẫn xây dựng được những công trình kinh tế như: đập Bái Thượng, đê sông Mã, sông Chu, khen ngợi những địa phương có nhiều thành tích kháng chiến kiến quốc như xã Vĩnh Khang, huyện Vĩnh Lộc đã xóa xong nạn mù chữ sớm nhất cả nước... Bác cũng phê bình một số khuyết điểm của cán bộ và nhân dân Thanh Hóa như chưa thực hiện tốt việc tiết kiệm trong việc cưới xin, lễ tết, chậm trả nợ tiền của Chính phủ. Về nhiệm vụ của cán bộ và nhân dân Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phải: “đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc Kinh và thiểu số, đoàn kết Nam - Bắc, đoàn kết quân dân, đoàn kết Việt - Hoa”(l4\ Phải làm tốt các công tác: sửa những cái sai trong cải cách ruộng đất, khôi phục và phát triển kinh tế, giữ đê phòng lụt, vệ sinh phòng bệnh, bình dân học vụ. Cần xây dựng và phát triển thuần phong mỹ tục, thực hiện đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau sản xuất, tiết kiệm. Khắc sâu lời dạy của Bác Hồ khi về thăm Thanh Hóa lần hai, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng hậu phương lớn vững mạnh, chi viện tối đa sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ.
Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành thời gian về thăm tỉnh Thanh Hóa lần thứ 3. Trong chuyến thăm này, Bác tới dự Đại hội đại biểu công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI tại Sầm Sơn. Bác cũng thăm thú cảnh đẹp của Sầm Sơn, tắm biển và kéo lưới cùng bà con ngư dân. Đến Sầm Sơn, Bác nói chuyện với ngư dân xóm Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, quan tâm tìm hiểu tình hình đời sống kinh tế của đồng bào và tới thăm một gia đình ngư dân sống cạnh bãi biển. Như bao chuyến đi cơ sở khác, Bác đến thường không báo trước, tránh trống giong, cờ mở, xe đưa, người đón. Nhà nhiếp ảnh Kim Côn kể lại: “Cải trang như một lão ngư, quần cộc, áo nâu cộc, đội mũ không có chóp và quấn chiếc khăn bông quanh cổ để che bớt chòm râu, Bác dẫn đoàn xuống tận bãi cá. Thấy mấy lão ngư đang choãi chân thang kéo lưới, Bác liền xắn tay làm cùng. Bác kéo lưới rất thành thục, say sưa không khác gì một lão ngư thực thụ. Mải làm, mình đẫm mồ hôi, Bác cởi áo, rồi bỏ cả khăn mặt quấn cổ. Kéo lưới xong, Bác lại đến nhặt cá cùng ngư dân và vui vẻ nói chuyện với họ”(5). Gặp gỡ và trao đổi với cán bộ địa phương, Bác căn dặn: Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải.
Trong thời điểm cả nước dồn sức cho cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, ngày 11/12/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành cho Thanh Hóa chuyến thăm ấm áp ân tình lần thứ 4. Nói chuyện với cán bộ và đồng bào trong tỉnh, Bác biểu dương những tiến bộ của Thanh Hoá trong xây dựng và phát triển kinh tế thời gian qua, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ và nêu những khuyết điểm của tỉnh như chưa chú ý nhiều đến chất lượng của hợp tác xã, chưa đẩy mạnh việc trồng cây gây rừng, chưa đạt mức kế hoạch về sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, v.v.. Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, nếu khắc phục được những mặt yếu kém đó, Thanh Hoá - một tỉnh lớn nhất của miền Bắc, nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động - chắc chắn sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm nền tảng vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong chuyến về thăm này, Bác đã dành thời gian thăm xã Yên Trường, huyện Yên Định, thăm nhà máy cơ khí Thanh Hóa. Người khen phụ nữ Yên Trường có nhiều thành tích, như: Cô An đã làm được 100m3 thủy lợi (bình quân đầu người trong xã mới đạt 18m3), 140 tạ phân và 300 ngày công. Bác đến tận phân xưởng xem công nhân làm việc, thăm nơi ở của công nhân, thăm trường công nhân kỹ thuật và ân cần dặn dò: Các cô, các chú cố gắng thi đua phát triển. Hàng của các cô, các chú làm ra phải tốt, phải đẹp và rẻ, nến không tốt thì không bán được, không bán được thì hàng đó cũng không ăn được vì nó là gang thép...
Những lần thăm Thanh Hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ, động viên kịp thời để người dân Thanh Hóa quyết tâm chiến đấu, lao động, hết lòng vì lý tưởng độc lập cho dân tộc. Thanh Hoá là một trong những tỉnh có tiềm lực lớn về nhiều mặt: đất rộng, người đông, nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động, có thế mạnh phát triển kinh tế biển, đồng bằng và rừng núi, là tiền đề để Thanh Hóa huy động nguồn nhân lực, vật lực tối đa cho cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Thanh Hóa lại trở thành hậu phương lớn cho chiến trường Miền Nam. Cây cầu Hàm Rồng đã trở thành huyền thoại, là biểu tượng chiến thắng của nhân dân cả nước trong kháng chiến chống Mỹ. Những chiến công vang dội của quân và dân Thanh Hóa mà đại diện là những cái tên như Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường, Trung đội dân quân gái Hoa Lộc, các dũng sĩ làng Yên Vực... làm nức lòng quân dân cả nước. Những thành tích xuất sắc của các cá nhân và tập thể trong chiến đấu và lao động sản xuất được Bác Hồ quan tâm và gửi thư khen tặng. Bác luôn căn dặn cán bộ phải làm trọn vai trò “người đày tớ của nhân dân”: phụng sự nhân dân, gần dân, hiểu dân, làm cho dân tin, dân yêu. Đảng bộ, quân dân Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, phát động rộng khắp các phong trào thi đua lao động sản xuất, tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Nhiều công trình thủy lợi, hồ đập, cầu cống, đường giao thông, nhà máy, xí nghiệp; hàng chục trường chuyên nghiệp, các trường phổ thông cấp I, cấp II, cấp III; các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện... được đầu tư xây dựng, đã làm biến đổi sâu sắc bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi vào thế giới vĩnh hằng, nhưng hình ảnh và lòng yêu thương đất nước con người của Bác Hồ vẫn còn mãi trong tim những người con Việt Nam, trong đó có đồng bào các dân tộc Xứ Thanh. Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa và tình cảm của nhân dân Thanh Hóa với Bác Hồ luôn khắc sâu trong trái tim mọi người. 76 năm đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên Bác Hồ vượt núi rừng hiểm trở về với Thanh Hóa và nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân tại Rừng Thông, huyện Đông Sơn ngày 20/2/1947; và sau đó là những chuyến về thăm Thanh Hóa vào năm 1957, 1960, 1961, cùng với những bức thư khen, những lời động viên tập thể và cá nhân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bác Hồ đã để lại cho cán bộ nhân dân Thanh Hóa muôn vàn tình thương yêu. Dù trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa nói chung, xã Hà Tân nói riêng luôn khắc sâu lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: xây dựng quê hương Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, cùng với nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh và phát triển bền vững./.
ST
- Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024
- Tuyên truyền rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024
- GIẢM NGHÈO: V/v quy trình mẫu xây dựng và tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp
- triển khai thực hiện Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ
- BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ 27/7
- Khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách trên địa bàn xã Hà Giang nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ .
- Tuyên truyền chính sách giảm nghèo
- Thể lệ " Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia "
- Hội LHPN xã Hà Giang tổ chức hội nghị sơ kết giũa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu Hội LHPN xã lần thứ 22, nhiệm kỳ 2021-2026
- KẾ HOẠCH Tổ chức triển khai thực hiện Tháng hành động về An toàn, Vệ sinh lao động năm 2024
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
02373.742.289